Dùng bữa sáng quá muộn
Ngủ nướng là niềm ưa thích của không ít người, đặc biệt là dân văn phòng sau một tuần làm việc căng thẳng thì ngủ nướng cuối tuần chẳng có gì là to tát. Ăn sáng quá muộn sẽ làm bạn mất sự ngon miệng và khả năng hấp thụ dưỡng chất bị giảm sút, từ đó khiến đồng hồ sinh học bị rối loạn, các cơ quan làm việc bất thường. Tránh tình trạng này, bạn hãy tập cho mình thói quen ngủ đủ giấc, dậy đúng giờ, dùng bữa sáng trước 9 giờ để sức khỏe luôn đảm bảo.
Dùng thức ăn từ hôm trước
Thực phẩm chỉ nên chế biến và dùng một lần. Nếu chế biến lại sẽ làm mất dưỡng chất và tạo cơ hội cho mầm bệnh trú ngụ. Việc ăn sáng bằng thức ăn thừa từ hôm trước để lại không những làm bạn mất cảm giác ngon miệng mà còn cản trở tiêu hóa, nguy cơ gây ung thư do hợp chất Nitrite được sản sinh với số lượng lớn. Bữa ăn sáng không cần quá cầu kì, chỉ cần đủ dưỡng chất vì vậy hãy chế biến những món ăn thật tươi mới, thơm ngon vừa dễ ăn lại vừa dinh dưỡng.
Dùng đồ ăn quá lạnh
Khi mới thức dậy, hệ thần kinh cùng các cơ quan khác vẫn đang trong trạng thái co lại vì vậy đồ ăn lạnh chính là thủ phạm làm cản trở lưu thông máu. Sử dụng đồ ăn lạnh vào buổi sáng trong thời gian dài sẽ khiến bạn có nguy cơ phải đối diện với bệnh táo bón lâu dần sinh trĩ, da dẻ xấu dần đi, sức đề kháng bị sụt giảm nghiêm trọng. Thay vì dùng các món lạnh bạn có thể ăn một tô phở, bát cháo, một cốc sữa nóng hay chiếc bánh mì giòn tan nóng hổi để nạp năng lượng, lên dây cót tinh thần và khởi động ngày mới.
Vừa đi vừa ăn
Đây là thói quen khó bỏ của đại đa số các bạn sinh viên hay dân công sở. Bạn có biết trong không khí có biết bao bụi bẩn, vi khuẩn độc hại sẽ bám vào đồ ăn sáng của bạn và trực tiếp đi vào dạ dày rồi cư ngụ ở đó. Lâu dần lượng vi khuẩn tích tụ đủ số lượng sẽ gây bệnh viêm loét dạ dày, ung thư trực tràng, nhiễm khuẩn, viêm họng,… Hơn nữa vừa đi vừa ăn còn tác động xấu đến hoạt động của hệ tiêu hóa gây đau bụng, khó tiêu, táo bón,… Bạn nên sắp xếp thời gian hợp lý, dành ít nhất từ 15 – 20 phút để thư thái dùng bữa sáng rồi mới tiếp tục các công việc khác..
Bữa sáng quá nhiều chất
Vẫn biết rằng bữa sáng là cực cần thiết cho cơ thể nhưng không vì thế mà cố ôm đồm hay nhồi nhiều dưỡng chất vào mỗi bữa sáng. Một số người có thói quen nhồi nhét càng nhiều càng tốt các loại thực phẩm trong một bữa sáng khiến dạ dày đình công, hoạt động quá tải dẫn đến đau bụng hay cảm giác khó chịu, bí bách khó diễn tả. Quá nhiều dinh dưỡng trong bữa sáng cùng với thức ăn tồn đọng từ hôm trước chính là thủ phạm gây thừa cân, béo phì, cân nặng tăng không kiểm soát được. Lời khuyên hữu ích là bạn nên ăn no, vừa đủ, tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ và dễ tiêu hóa; tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ động vật, quá nhiều đạm hay protein.
Bữa sáng quá sơ sài
Những ai đang trong thời kì giảm cân thường mắc lỗi này. Họ nghĩ rằng ăn càng ít thì cân nặng sẽ giảm càng nhanh. Điều này hoàn toàn sai lầm và phản tác dụng. Nếu bữa sáng không đủ dưỡng chất sẽ làm cơ thể mệt mỏi, sức sáng tạo bị giảm sút, trí nhớ không minh mẫn và không đủ tỉnh táo để làm việc. Ăn ít không những không giảm cân mà còn khiến hooc môn bị mất kiểm soát khiến cân nặng dễ tăng hơn. Bữa sáng thiếu chất hoặc quá sơ sài khiến cơ thể thiếu chất trầm trọng dẫn tới nhiều hậu quả xấu khác khó lòng kiểm soát được. Do vậy bạn hãy cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết trong bữa sáng. Giảm cân không có nghĩa là chỉ ăn trái cây, ăn đồ ăn vặt hay bỏ hẳn bữa sáng.
Dùng bữa sáng khi vừa ngủ dậy (quá sớm)
Sau một giấc ngủ dài, vào sáng sớm cảm giác đói bụng thường ập đến vì vậy ngay khi mới ngủ dậy nhiều người đã không ngần ngại tìm thức ăn để nạp ngay vào bụng. Điều này không hề tốt một chút nào. Bạn biết không? Mặc dù thời gian ngủ có thể lên đến 8 tiếng nhưng thức ăn từ bữa tối hôm trước vẫn chưa được tiêu hóa hết và đọng lại trong cơ thể để chờ xử lý. Nếu bạn ăn ngay khi mới ngủ dậy, lượng thức ăn này lại nhiều thêm, vượt quá sức làm việc của dạ dày gây tình trạng ứ đọng thức ăn làm ta có cảm giác đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu. Điều này tác động xấu đến chức năng dạ dày và dưỡng chất không được hấp thu hết.
Chính vì thế, bạn nên bỏ ngay thói quen này, thay vào đó là một cốc nước lọc tinh khiết giúp cơ thể thanh lọc. Lời khuyên hữu ích là bạn nên ăn sáng sau khoảng 20 – 25 phút khi thức dậy. Thời điểm thích hợp nhất để có một bữa sáng ngon miệng là từ 6 – 7 giờ.
Ăn quá nhanh
Ngủ dậy muộn, sợ muộn học, sợ muộn giờ làm chính là nguyên nhân khiến bạn phải nóng vội trong khâu ăn sáng. Ăn quá nhanh làm cho thức ăn không được nghiền kĩ, gây bất lợi cho hệ tiêu hóa và hoạt động của dạ dày. Đặc biệt vào mùa đông, những món ăn sáng nóng hổi mà dùng hấp tấp có thể dẫn tới nguy cơ ung thư cuống họng thường trực. Ăn sáng quá nhanh cũng là một trong những nguyên nhân gây ung hư được các chuyên gia y tế khuyến cáo, vì vậy hãy dậy sớm để có đủ thời gian thưởng thức một bữa sáng tuyệt vời, nhâm nhi một tách trà để chào đón ngày mới thật vui tươi.