Chủ quan về sức khỏe
Cao huyết áp không có những triệu chứng cụ thể, không có dấu hiệu báo trước và thường do thái độ chủ quan về sức khỏe của mỗi chúng ta mà người cao huyết áp thường phát hiện bệnh khi rất muộn. Những người trên 40 tuổi, mắc bệnh béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường sẽ dễ mắc bệnh cao huyết áp hơn những người bình thường. 6 tháng một lần chúng ta cần đến những cơ sở y tế để đo huyết áp định kỳ, khi phát hiện mắc bệnh (huyết áp ≥ 140/90mmHg) chúng ta cần tuân thủ theo phương pháp và hướng dẫn của bác sĩ để có thể bảo vệ được sức khỏe cho chính chúng ta.
Lưu ý trước khi đo huyết áp: trước khi đo 30 phút chúng ta không nên ăn uống, không dùng thuốc hay các chất kích thích, nghỉ ngơi thư giãn, đo ở nơi rộng rãi, thoáng mát, nhiệt độ vừa phải, không ồn ào và phải đo bằng huyết áp kế chính xác đã được kiểm định.
Không luyện tập thể dục thường xuyên
Người cao huyết cần tập thể dục thường xuyên để có được một sức khỏe tốt nhất, tuy nhiên, người cao huyết áp chỉ nên chọn các môn tập luyện nhẹ, dễ thực hiện, thời gian thực hiện chỉ từ 30 – 40 phút, đảm bảo cho tim đập không quá 105 – 125 lần/phút như các môn đi bộ, chạy bộ chậm. Người cao huyết áp cần tránh các môn tập nặng (tiêu thụ trên 500 calo/giờ), tốc độ cao và khó thực hiện, thời gian kéo dài như các môn cử tạ, quần vợt, chạy nhanh… khi có kèm theo nguy cơ tim mạch phải kiêng tập một số môn theo sự chỉ định của bác sĩ.
Chủ quan về việc điều trị
Nhiều bệnh nhân vẫn chủ quan về việc điều trị vì họ mới bị mắc giai đoạn đầu của cao huyết áp và thấy sức khỏe vẫn bình thường, tương đối tốt. Cao huyết áp nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng bệnh phát triển khá nhanh. Việc dùng thuốc sớm, điều trị đúng cách sẽ làm chậm sự tiến triển bệnh nặng thêm, đưa huyết áp về mức ổn định, tránh được những biến chứng do huyết áp tăng cao.
Hội Huyết áp châu Âu (ESH – 2007, ESH – 2009) của Mỹ quy định: Người dưới 80 tuổi cao huyết áp nếu không kèm theo nguy cơ, khởi đầu điều trị khi huyết áp ≥ 140/90mmHg; còn nếu có nguy cơ thì khởi đầu điều trị khi huyết áp ≥ 130/85mmHg mà không chờ kết quả việc thay đổi lối sống như trước nữa.
Không phối hợp đúng với chế độ ăn
Người cao huyết áp nếu không kèm theo bệnh gì thì nên dùng chế độ ăn cân đối đủ các dưỡng chất, còn nếu kèm theo các bệnh về thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu hay đái tháo đường thì cần có chế độ ăn tiết chế chất béo, chất đường và chất đạm (hạn chế mức ăn nhưng không kiêng khem quá mức dẫn tới bị thiếu chất) để làm cho các bệnh này không tiến triển nặng thêm ảnh hưởng trở lại đến huyết áp.
Tự ý xử lý tai biến
Khi bị tai biến mạch máu máu não, tình trạng đột quỵ, có người cho rằng đó là do huyết áp tăng cao, gây ra vỡ mạch, rồi tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, có thể là huyết áp liều cao. Chúng ta không được tự ý dùng thuốc, cần được bác sĩ khám chữa và kê đơn, nên đến bệnh viện khám chữa khi thấy có dấu hiệu bị đột quỵ, tức ngực, khó thở hay thở gấp. Nếu tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, có thể dẫn tới hạ huyết áp quá mức, máu không đến được các vùng não khác làm tai biến nặng thêm.
Không dùng đủ lượng thuốc hoặc tự ý tăng liều thuốc
Hội nghị huyết áp thế giới (2003), ESH (2009) khuyến nghị: cần phối hợp thuốc ngay từ đầu khi chớm phát hiện ra bệnh để ngăn chặn bệnh phát triển thêm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan mà người bệnh thường bỏ thuốc hoặc dùng không đúng liều lượng, không phối hợp theo sự chỉ định của bác sĩ, dẫn đến tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Ngoài ra, nhiều người còn tự ý dùng những loại thuốc huyết áp kết hợp với nhau gây nên những tác dụng phụ ngoài ý muốn, khiến cho việc theo dõi cũng như điều trị gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, có một số trường hợp bệnh nhân tự ý tăng liều lượng của thuốc để làm giảm huyết áp. Khi cảm thấy nhức đầu, khó chịu… người bệnh thường cho là do huyết áp đột ngột tăng cao, rồi tự tăng liều dùng với mong muốn huyết áp được nhanh chóng hạ bớt. Nhưng, thực ra các triệu chứng trên chưa hẳn đã do huyết áp tăng, có thể chỉ là do thay đổi thời tiết. Tự tăng liều thuốc có thể gây tụt huyết áp quá mức, thậm chí có thể gây ra trụy mạch rất nguy hiểm.