Cẩn thận dòng chảy xa bờ
Đường bờ biển của Việt Nam rất dài, tuy nhiên chỉ có một số bãi tắm nhất định đã được khai thác du lịch mới có thể đảm bảo an toàn cho du khách. Nếu bạn là dân phượt, hãy tham khảo qua ý kiến của người dân địa phương về những bãi tắm nguy hiểm để phòng tránh. Bên cạnh đá nhọn, sứa biển thì dòng chảy xa bờ cũng là một mối nguy hiểm đối với hành khách. Tốt nhất, trước khi xuống nước cần dành từ 5 đến 10 phút để quan sát dòng chảy của nước, tuyệt đối tránh xa những khu vực không có sóng vì nơi đó sẽ có dòng chảy xa bờ.
Tắm chỗ đông người
Nhiều bạn trẻ thường có thói quen kiếm bãi biển vắng người để sạch sẽ. Thế nhưng những hiểm nguy tại các bãi vắng thường rất nhiều. Bơi ở chỗ đông người, khi gặp các vấn đề khẩn cấp như đuối nước, chuột rút, suy hô hấp sẽ nhanh chóng nhận sự hỗ trợ kịp thời từ xung quanh hoặc lực lượng cứu hộ. Các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh cũng cần đề phòng không nên đi quá xa khỏi đám đông, các bãi hoang sơ chưa được khai thác du lịch để tránh tình trạng bị cướp giật, thành phần xấu đe dọa.
Uống nước thường xuyên
Trước khi đi biển chơi, bạn cần chắc chắn rằng mình đem đủ nước sạch để uống nếu như không thật sự tin tưởng những hàng quán bán nước dọc bờ biển. Khi tắm biển, nước biển chứa muối mặn cùng với sự tác động của ánh nắng mặt trời trong thời gian dài sẽ khiến da bị khô ráp và cơ thể dễ mỏi mệt, kiệt sức. Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn chính là 20 phút một lần nên bơi vào bờ để uống nước lọc, vừa giúp cơ thể tạm thời thoát khỏi áp lực đè nén của nước biển, vừa giúp cơ thể bổ sung thêm khoáng chất, tránh những sự cố không mong muốn như chuột rút, đuối hơi.
Bơi lội cũng có thể gây bệnh phụ khoa.
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ tại bờ biển xinh đẹp, các chị em không kỹ lưỡng trong vấn đề vệ sinh sẽ rất dễ bị mắc các chứng bệnh phụ khoa. Các bạn gái cần lưu ý không nên đi bơi trong kỳ đèn đỏ hoặc sau kỳ đèn đỏ từ 1 đến 3 ngày. Cần vệ sinh sạch vùng kín sau khi bơi, cả khi bạn chỉ ngồi trên cát cũng nên vệ sinh và thay đổi đồ lót sau khi rời biển. Nên mang theo áo choàng, khăn tắm để lót trước khi ngồi nghỉ chân trên bãi biển. Nên rửa vệ sinh kỹ và giữ bề mặt đồ lót khô ráo, không mặc trang phục ướt quá 2 giờ để tránh các vi khuẩn và nấm phát sinh.
Khởi động cho nóng người
Nhiều người thường xem các bước khởi động trước khi xuống nước là bài học hoa mỹ, màu mè, thế nhưng đây lại là bước cực kỳ quan trọng giúp cơ thể dễ dàng tiếp ứng khi xuống nước. Khi hòa mình vào nước, áp lực nước rất mạnh sẽ đè nén gây khó thở, di chuyển dưới nước mất đi sự linh hoạt dễ dàng dẫn đến tình trạng chuột rút, suy hô hấp. Bên cạnh đó, việc khởi động cũng sẽ giúp tinh thần của bạn thoải mái và phấn chấn hơn khi tắm biển. Đối với trẻ con càng không nên bỏ qua các bài khởi động vì nhịp thở của bé thường yếu, sẽ dễ ngất khi đột ngột thay đổi thân nhiệt.
Lưu ý trẻ em
Khi quyết định mang theo trẻ nhỏ ra biển, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến sự có mặt của con em để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra. Không nên tin tưởng những người xa lạ để gửi gắm con em vì trên bãi biển rất đông người và bạn sẽ vô cùng khó khăn để tìm lại con mình. Không cho bé sử dụng những thiết bị điện tử đắt tiền để tránh bị kẻ xấu dòm ngó và dụ dỗ. Cần chuẩn bị sẵn bữa ăn trước cho bé tại nhà và mang theo để đảm bảo an toàn, những quán ăn khu vực biển thường chỉ là hải sản. Luôn giữ bé trong tầm mắt, lựa chọn hoặc mang theo phao bơi phù hợp với kích cỡ dáng người của bé.
Không bơi quá xa bờ
Tại các bãi biển luôn có cờ và biển hiệu ngăn cách khu vực an toàn và nguy hiểm. Tuyệt đối không nên vì bất cứ lý do nào như thách thức, vui chơi hay hiếu kỳ mà bơi ra khỏi cột mốc cảnh báo. Để tốt nhất, không nên bơi xa bờ 15m và mực nước biển với chân không nên quá 5m. Cả khi có sự hỗ trợ của phao bơi bạn cũng không nên chủ quan bởi những dòng nước chảy xiếc và dòng chảy xa bờ sẽ cuốn bạn đi rất nhanh. Nếu rời quá xa đám đông, khi có sự cố xảy ra lời kêu cứu của bạn sẽ khó ai nghe được và giúp đỡ.
Hạn chế đi biển vào mùa dịch
Một trong những căn bệnh dễ dàng lây lan nhanh nhất tại bờ biển chính là: đau mắt đỏ. Đây là căn bệnh rất dễ lây lan ở nơi công cộng, đông người, đặc biệt là nguồn nước bơi sông, hồ, biển. Tháng 6 đến tháng 8 chính là khoảng thời gian bùng phát dịch đau mắt đỏ mạnh nhất, nên hạn chế đi biển vào thời điểm này. Đồng thời nên đeo kính bơi hoặc rửa sạch mắt sau khi bơi xong để tránh mắt bị nhiễm trùng và dị ứng bởi nguồn nước không sạch. Nên trang bị sẵn thuốc nhỏ mắt để sử dụng sát trùng cho mắt vệ sinh, diệt khuẩn.
Không mang theo nhiều trang sức
Trước khi xuống nước, hãy đảm bảo rằng bạn đã để toàn bộ trang sức lại trong hành lý. Lời khuyên tốt nhất chính là hãy hạn chế mang theo đồ trang sức khi đi biển, bởi nhà nghỉ hay nơi giữ hành lý đều không chắc sẽ an toàn đối với những tay trộm cắp chuyên nghiệp. Khi xuống nước, cơ thể bị lạnh sẽ co rút lại khiến các phụ kiện như lắc tay, nhẫn dễ bị tuột ra rơi mất. Việc trông coi hành lý lơ là cũng rất dễ khiến trang sức, đồ vật có giá trị cao bị thất lạc.
Sản phẩm chống nắng
Khí hậu Việt Nam rất nóng, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mặt trời nên các tia cực tím từ ánh nắng mặt trời là rất độc, cùng với sự ăn mòn của muối biển sẽ rất có hại cho da. Vậy nên các bác sỹ da liễu luôn khuyến cáo phải mang theo các vật dụng để chống nắng khi đi biển như kem chống nắng, áo choàng, kính râm, không chỉ để bảo dưỡng sắc đẹp mà còn giúp phòng tránh các bệnh về da: cháy da, mẫn đỏ, dị ứng, sạm và nám da. Nên chú ý đến thành phần cấu thành của kem chống nắng để phù hợp và không gây kích ứng cho da.